Bệnh cầu trùng gà là một bệnh phổ biến trong ngành chăn nuôi, thường gặp ở cả gia súc và gia cầm. Căn bệnh này gây ra nhiều lo ngại cho người chăn nuôi. Bài viết hôm nay sẽ tập trung vào việc tìm hiểu nguyên nhân gà mắc bệnh cầu trùng ở gà và các phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho bệnh này.
Bệnh cầu trùng ở gà là bệnh gì?
Bệnh cầu trùng ở gà hay còn gọi là Coccidiosis Avium, là một loại bệnh truyền nhiễm do ký sinh trùng gây ra, phổ biến trong đàn gà, đặc biệt là khi điều kiện thời tiết ẩm ướt.
Bệnh này rất dễ bùng phát và có khả năng lây lan mạnh, thường khó điều trị triệt để và có thể tồn tại lâu dài trong môi trường chăn nuôi. Giai đoạn nhạy cảm nhất là khi gà từ 2 đến 8 tuần tuổi.
Nguyên nhân bệnh cầu trùng ở gà là do gà sử dụng phải thức ăn và nước uống nhiễm nang cầu trùng, đây là ký sinh trùng tồn tại trong môi trường rất lâu và khó bị tiêu diệt.
Ở Việt Nam, tỷ lệ tử vong do bệnh cầu trùng có thể chiếm từ 5% đến 15%. Khi gà mắc phải bệnh cầu trùng, chúng rất dễ bị suy giảm hệ miễn dịch và từ đó dễ dàng mắc thêm các bệnh truyền nhiễm khác như Gumboro, tụ huyết trùng, do khả năng đề kháng của chúng rất yếu.
Các triệu chứng của bệnh cầu trùng ở gà
Bệnh cầu trùng ở gà bao gồm hai thể: cấp tính và mãn tính, mỗi thể có triệu chứng riêng:
Thể cấp tính:
- Phổ biến ở gà con với thời gian nhiễm bệnh ngắn, từ vài ngày đến 2-3 tuần.
- Triệu chứng chính bao gồm: gà ủ rũ, kém ăn hoặc bỏ ăn, uống nhiều nước.
- Gà thường ít vận động, ngồi co trên hai chân, nhắm mắt và xõa cánh.
- Quan sát phân gà, ban đầu có thể thấy phân có bọt màu vàng hoặc trắng, sau đó phân chuyển sang màu đỏ và lẫn máu, đôi khi chỉ toàn máu tươi. Phân dính ở hậu môn.
- Mất máu nghiêm trọng có thể dẫn đến yếu, liệt chân và cánh. Nếu không được can thiệp kịp thời, tỷ lệ tử vong có thể đạt 70-80% chỉ sau 2-7 ngày.
Thể mãn tính:
- Bệnh cầu trùng ở gà thường gặp ở gà tuổi từ 4-6 tháng.
- Triệu chứng lâm sàng tương tự như thể cấp tính nhưng ít rõ rệt và không điển hình.
- Bệnh kéo dài trong khoảng từ vài tuần đến vài tháng.
- Gà có thể ốm yếu, xù lông, kém ăn, tiêu chảy không ổn định.
- Khi bệnh chuyển sang thể mãn tính tức là gà đã mang mầm bệnh, phần niêm mạc ruột bị hư hại nặng nên khả năng hấp thụ dinh dưỡng kém và khó có thể phục hồi hoàn toàn.
Thuốc trị bệnh cầu trùng ở gà bà con cần biết
Để điều trị bệnh cầu trùng ở gà, cần áp dụng một số biện pháp về vệ sinh, cách ly và sử dụng thuốc như sau:
Cách ly ngay lập tức: Đưa gà bệnh ra khỏi đàn để tránh lây lan sang các con khác.
Vệ sinh chuồng trại:
Làm sạch chuồng trại, đốt bỏ chất độn chuồng cũ và khử trùng kỹ cả bên trong lẫn xung quanh khu chăn nuôi.
Phác đồ điều trị bằng thuốc:
- Baycox 2,5%: Pha 1ml thuốc với 1 lít nước, cho gà uống liên tục trong 2 ngày.
- Florfenicol hoặc Norfloxacin: Cho uống 1 lần mỗi ngày trong 5 ngày, liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Bổ sung thêm: Gluco – KC, men tiêu hóa, và vitamin tổng hợp pha vào nước cho gà uống từ 3-5 ngày.
Hoặc sử dụng các thuốc đặc trị khác như:
- Vinacoc.ACB: 2 gram mỗi lít nước mỗi ngày, dùng liên tục 3-4 ngày.
- Anticoccid: 100 gram cho 75 lít nước mỗi ngày hoặc trộn với thức ăn cho 500-625 kg thể trọng gà mỗi ngày.
- Vinamix 200: Pha 2 gram với 1 lít nước, dùng trong 4-5 ngày.
Điều trị bằng thảo dược:
Trong bối cảnh nhiều hộ gia đình hướng tới nuôi gà sạch, việc sử dụng thảo dược là một lựa chọn được ưa chuộng. Một phương pháp phổ biến là sử dụng lá mơ rừng:
- Rửa sạch lá mơ rừng, đâm nhuyễn với ít muối hột.
- Tùy theo số lượng gà mắc bệnh, cho mỗi con uống 1ml dung dịch đã đâm nhuyễn.
- Phần xác còn lại có thể trộn vào thức ăn cho gà.
Việc kết hợp giữa việc vệ sinh môi trường, cách ly, điều trị bằng thuốc và sử dụng thảo dược có thể giúp kiểm soát và điều trị bệnh cầu trùng hiệu quả, giảm thiểu tỷ lệ tử vong và cải thiện sức khỏe cho đàn gà.
Có thể bạn quan tâm: Thuốc điều trị bệnh Gumboro ở gà
Hướng dẫn cách phòng bệnh cầu trùng cho gà
Để phòng ngừa bệnh cầu trùng ở gà, các biện pháp chủ động cần được thực hiện ngay từ khi gà còn khỏe mạnh, tránh để gà mắc bệnh mới điều trị. Dưới đây là những hành động có thể giúp ngăn ngừa bệnh cầu trùng hiệu quả:
- Vệ sinh chuồng trại: Thường xuyên làm sạch và khử trùng chuồng gà. Sử dụng vôi bột để khử trùng nền chuồng có thể là biện pháp hiệu quả. Đảm bảo chuồng gà luôn khô ráo và sạch sẽ, thay lớp độn chuồng hàng ngày.
- Cách ly gà bệnh: Khi phát hiện gà có dấu hiệu của bệnh cầu trùng, cần cách ly ngay lập tức để tránh lây lan sang gà khỏe mạnh.
- Bổ sung dinh dưỡng và sức đề kháng: Tăng cường cho gà uống thêm vitamin, men tiêu hóa, và glucose để nâng cao sức đề kháng.
- Tiêm phòng vắc xin: Thực hiện tiêm phòng vắc xin cầu trùng theo lịch trình cho gà con mới nở để giúp chúng phòng tránh bệnh từ sớm.
Bệnh cầu trùng không chỉ dễ dẫn đến tỷ lệ chết cao trong đàn gà, mà còn làm giảm năng suất thịt và trứng, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của việc chăn nuôi. Ngoài ra, bệnh này còn có thể là nguyên nhân khiến các bệnh nguy hiểm khác bùng phát. Các biện pháp trên sẽ giúp bà con phòng tránh bệnh hiệu quả và bảo vệ đàn gà của mình.